Làm thế nào để không bị lẫn giữa tiếng Anh và tiếng Đức

Xin chia sẻ kinh nghiệm của mình để không bị lẫn giữa tiếng Anh và tiếng Đức? Tiếng Anh hay tiếng Đức?

Đối với những bạn đã từng có một thời gian dài học tiếng Anh, và sau này vì lý do du học hay một lý do nào đó khác mà chuyển sang học tiếng Đức, chắc hẳn sẽ đứng trước câu hỏi "Làm thế nào để không bị lẫn giữa tiếng Anh và tiếng Đức?". Hay thậm chí có những bạn sẽ băn khoăn với việc có nên bỏ tiếng Anh để theo tiếng Đức? Với những kinh nghiệm của cá nhân mình, mình muốn có một vài chia sẻ cho các bạn.

1) Năm mình 14 tuổi, chuẩn bị thi vào cấp 3, mình đã rất phân vân với sự lựa chọn tiếp tục học tiếng Anh hay thử nghiệm với một ngôn ngữ mới. Thực sự thì ngoại ngữ đầu tiên mình tiếp xúc trong đời không phải là tiếng Anh, mà là tiếng Pháp. Trước khi vào lớp 1, mình được Mẹ cho đi học hè ở một trường chuyên tiếng Pháp. Tuy nhiên khi vào lớp 1, mình lại theo học một trường với ngoại ngữ chính là tiếng Anh. Đến hồi lớp 7, mình còn có thời gian học thêm tiếng Trung, đơn giản vì mình có hứng thú với ngôn ngữ đó.

Thời của các bạn trẻ bây giờ có internet và nhiều phương tiện giải trí khác, còn hồi mình học cấp 2 thì chỉ có mỗi tivi thôi. Điện thoại di động hay máy tính phải đến lúc vào đại học năm nhất mình mới được mua. Niềm vui của mình là mỗi tối bật kênh VTV2 xem những chương trình dạy ngoại ngữ qua truyền hình. Mình ấn tượng mãi một lần thấy một chị mặc áo dài trắng đứng thuyết trình bằng tiếng Pháp, làm mình cứ ước ao sau này sẽ có thể nói giỏi và tự tin được như vậy. Hay chương trình dạy tiếng Trung qua những bài hát, mình luôn kè kè giấy bút ghi chép lời bài hát. Có một vài bài mà đến bây giờ mình vẫn thuộc

Học Ngoại ngữ nên là một niềm vui, chứ không nên là sự ép buộc. Có lẽ mình không hợp với việc học ngoại ngữ quá chú trọng tới ngữ pháp và hơi monoton (đơn điệu) về phương pháp tiếp cận như ở Việt Nam, nên hồi đó chưa bao giờ mình học tiếng Anh bật được lên, chỉ ở mức đều đều.
Lên cấp 3 học chuyên tiếng Đức, mình cũng vẫn lưu luyến tiếng Anh vô cùng, nên đăng ký một lớp học thêm tiếng Anh của trường vào buổi chiều, nhưng học được một tháng thì bỏ. Áp lực học đều các môn, quay cuồng với lịch học thêm Toán, Lý, Hóa, khiến mình không còn thời gian cho niềm đam mê khám phá các ngôn ngữ. Dần dần mình "bỏ rơi" tiếng Anh, còn tiếng Đức chỉ học như một môn học (tức là học để thi), chứ chưa hề có sự tìm tòi say mê.


2) Du học Đức, tiếng Đức thôi vẫn chưa đủ!
Điều đó nghe có vẻ hơi mâu thuẫn, thế nhưng phải trải nghiệm việc học bên này mới thấm thía được điều đó. Ngay cả khi học Bachelor về Ngôn ngữ Đức và Master về Giáo dục học, trong chương trình học bắt buộc của mình vẫn có những Seminar (môn học) giảng hoàn toàn bằng tiếng Anh, sinh viên sẽ thảo luận bằng tiếng Anh, thậm chí tài liệu tham khảo cũng bằng tiếng Anh luôn. Lúc đó mình tự hỏi, nếu như chưa từng học qua tiếng Anh, mình sẽ sống sót như thế nào?!?

Mặc dù dạy tiếng Đức, nhưng việc có thể sử dụng tiếng Anh cũng đã giúp mình có được cơ hội trải nghiệm làm việc ở trường Quốc tế Đức tại Singapore. Ở Đức, tiếng Anh hầu như là đòi hỏi bắt buộc, nếu bạn muốn xin được việc ở những công ty lớn. Học sinh Đức phải học ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh, vì đó là ngôn ngữ quốc tế, đồng thời phải học thêm một thứ tiếng nữa của một nước trong khối châu Âu, thường là tiếng Pháp hay Tây Ban Nha.

Vậy nên, lời khuyên của mình cho các bạn là, biết được càng nhiều ngoại ngữ càng tốt. Hãy duy trì việc học tiếng Đức và tiếng Anh, chứ đừng nên nghĩ học cái này thì sẽ bỏ cái kia!

3) Làm thế nào để duy trì học tiếng Anh và tiếng Đức?
Việc này ban đầu có thể rất khó khăn. Bản thân tiếng Anh và tiếng Đức có nhiều tương đồng trong từ vựng (vd. die Information - information là thông tin; die Bank - bank là ngân hàng). Chính sự giống nhau này đôi khi lại là trở ngại, vì sẽ dễ dẫn tới việc bị nhầm lẫn giữa hai ngôn ngữ. Nhưng đó chỉ là thời gian đầu thôi. Như mình học tiếng Đức hơn 10 năm, khi đọc những tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh, mình tự nhiên thấy hiểu rất nhanh, căn bản vì từ vựng tương đối giống tiếng Đức, và mình có thể dựa vào ngữ cảnh để đoán nghĩa của từ.

Nếu đang du học Đức, các bạn vẫn có thể duy trì việc học tiếng Anh bằng nhiều cách.
- British Council: Mình hay xem các video và nghe podcasts trên trang web này rất hữu ích http://learnenglish.britishcouncil.org/…/professionals-podc…
- Coursera: Hay các bạn cũng có thể tham gia các khóa học miễn phí của các trường đại học nổi tiếng tại đây https://www.coursera.org/
- YouTube: Ngoài ra trên YouTube cũng có rất nhiều các kênh dạy tiếng Anh miễn phí. Mình có thể recommend các bạn kênh này nhé https://goo.gl/lvhmmk

4) Phân chia thời gian
Việc sắp xếp thời gian là rất quan trọng, giúp bạn có thể hoàn thành mục tiêu mình đặt ra. Ai cũng bận rộn cả, một ngày đều có rất nhiều việc cần phải hoàn thành. Nếu bạn không tự lên kế hoạch và nghiêm khắc với chính bản thân mình, sẽ không bao giờ các bạn đạt được điều gì to lớn cả.

Mình luôn dành thời gian 30-60 phút một ngày, cách một ngày một lần để học tiếng Anh. Học ngữ pháp và từ vựng, nhưng mình luôn đọc to các câu lên chứ không cặm cụi ghi chép. Đôi khi tự ngồi và thuyết trình về một chủ đề nào đó đang có trong bài học.

Mặc dù dậy tiếng Đức, phải nói tiếng Đức mỗi ngày 5-6 tiếng liên tục, thế nhưng mình vẫn coi việc luyện tập là điều hết sức cần thiết. Trước khi đi ngủ, mình thường dùng Ipad để lên trang học tiếng Đức của Deutsche Welle để nghe bản tin trong ngày và rất nhiều các bài nghe khác. Mình nghe, rồi tự đọc theo để luyện phát âm và học được cách lấy trọng âm và ngữ điệu chuẩn. http://www.dw.com/de/deutsch-lernen/s-2055 Nhiều khi mình nghe cho đến khi chìm vào giấc ngủ và mơ bằng tiếng Đức, khi ấy thì các bạn sẽ thành công. Tuy nhiên, nghe thôi vẫn chưa đủ, các bạn hãy cố gắng luyện đọc và làm các bài tập kèm theo mỗi chủ đề nhé!

Ngoài ra, các bạn cũng có thể xem trực tiếp các kênh truyền hình Đức ở đây:
- Deutsche Welle: https://www.youtube.com/watch?v=yy9gr5jgo2k
- ZDF: https://www.zdf.de/live-tv
- ARTE: http://www.arte.tv/de/live/
- ARD: http://www.daserste.de/live/index.html

Cảm ơn các bạn đã đọc bài post khá dài này của mình. Hi vọng những chia sẻ vừa rồi sẽ giúp ích được một phần nào đó cho các bạn trên con đường chinh phục ước mơ của mình. Cũng rất mong sẽ góp phần giải đáp một số câu hỏi của các bạn như Làm thế nào để không bị lẫn giữa tiếng Anh và tiếng Đức. Cảm ơn các bạn đã luôn đồng hành và theo dõi các bài viết trên trang gia sư tiếng Đức tại nhà Hà Nội của mình.

 
Scroll to top