Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Cách ứng xử với lỗi sai trong quá trình học tiếng Đức nói riêng và ngoại ngữ nói chung

Trong việc học ngoại ngữ, mắc lỗi là một điều không thể tránh khỏi, thậm chí nó còn là một phần tất yếu của quá trình học. Tuy nhiên, theo quan niệm truyền thống thường cho rằng mắc lỗi là một vấn đề nghiêm trọng. Học sinh nào mắc lỗi thường bị cho là kém năng lực và nhận được cái nhìn tiêu cực từ giáo viên và bạn bè. Chính bởi lẽ đó mà sinh viên Việt Nam khi ra môi trường quốc tế thường rụt rè, bị động, ít khi dám đưa ra ý kiến cá nhân. Bản thân mình một gia sư tiếng Đức kì cựu nhiều năm cũng đã từng trải qua giai đoạn đó.

Việc nói đúng ngữ pháp, trôi chảy và đúng ngữ điệu là điều mà bất cứ một người học ngoại ngữ nào cũng hướng tới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi ở người học một động lực học tập mạnh mẽ và sự kiên trì học hỏi, rèn luyện qua nhiều năm tháng. Việc học là một quá trình, và trên chặng đường chinh phục kiến thức đó chúng ta cần tự tạo cho mình nhiều niềm vui thay vì những áp lực, có như vậy thì ta mới đi lâu dài được.

Dưới góc độ một giáo viên dạy gia sư tiếng Đức tại nhà, mình thấy việc sửa lỗi sai cho người học là cần thiết. Tuy nhiên, sửa thế nào để người học có thể tiến bộ, chứ không phải là lấy đi mất niềm hứng khởi trong việc học của họ, thì đòi hỏi ở người dạy không chỉ kiến thức chuyên môn, mà còn là cả phương pháp sư phạm và một sự đồng cảm với người học.

Mình đã từng tham gia một chương trình đào tạo giáo viên cho người Đức với tư cách một giáo viên dạy tiếng Việt. Trong suốt 90 phút, các giáo viên sẽ phải "hóa thân" thành học sinh và trải nghiệm một tiết học tiếng Việt. Mọi kiến thức, hướng dẫn, giải thích đều chỉ được phép truyền đạt bằng tiếng Việt, trong khi những "học sinh" của mình trước đó không hề có khái niệm gì về tiếng Việt cả. Mục đích của buổi học này là để giáo viên có thể trải nghiệm cảm giác của một người học ngoại ngữ khi tiếp cận với một ngôn ngữ mới. Điều đó là hoàn toàn không dễ dàng chút nào! Những giáo viên Đức dạy gia sư tiếng Đức có nhận xét là họ cảm thấy khá căng thẳng và phải tập trung cao độ. Nhiều người mình quan sát còn rụt rè, từ chối làm những gì giáo viên yêu cầu.

Đúng vậy, khi mình muốn nhận xét một ai đó, thì trước tiên mình phải đặt mình vào hoàn cảnh và địa vị của họ. Điều mà mình quan tâm nhất là học sinh của mình có hứng thú với việc học, tự tin trong giao tiếp, có như vậy thì mới có thể nhanh hòa nhập vào môi trường mới. Chính bởi vậy mà mình lựa chọn cách "sửa lỗi có chọn lựa" và "sửa lỗi một cách gián tiếp":

- Sửa lỗi có chọn lựa: Với phương pháp này, người giáo viên chỉ quyết định sửa một số lỗi nhất định. Những lỗi này có ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu bài học hoặc loại bài tập cụ thể đang được luyện tập tại thời điểm đó. Ví dụ như nếu chủ đề của tiết học là về cách chia động từ trong quá khứ Perfekt, thì giáo viên chỉ tập trung vào sửa những lỗi có liên quan đến việc chia động từ. Còn những lỗi vị trí từ trong câu hay lỗi cách kết hợp từ, ví dụ như "Ich habe gelernt gestern" (I yesterday learned), thì có thể bỏ qua. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào trình độ hiện tại của lớp học. Ở trình độ A1 thì tất nhiên sẽ không thể đòi hỏi ở người học cao như trình độ B1.

- Sửa lỗi một cách gián tiếp: Đối với lỗi sai ở trên, giáo viên có thể chờ người học nói xong và lặp lại câu đó với ngữ pháp đúng, ví dụ như "Ich habe gestern gelernt, gut, noch jemand?" (I learned yesterday, good, anybody else?) hay hỏi lại "Hast du gestern gelernt?" (Did you learn yesterday?). Nếu người học mắc lỗi mà giáo viên chỉ trích kiểu như "Nói như vậy là không đúng, em phải nói blahblah", thì sẽ dễ khiến người học bị xấu hổ, mất hứng thú và tránh tham gia phát biểu vào các lần sau.

- Đối với những lỗi ngữ pháp khi viết, sau khi chấm bài, mình thường tổng hợp lại các lỗi người học thường mắc phải. Những câu sai này sẽ được đánh máy thành một tờ bài tập với đề bài là "Sửa lỗi sai trong câu". Qua đó, người học có thể tự rút được kinh nghiệm cho chính mình mà không một ai phải cảm thấy tự ti, xấu hổ vì đã sai cả.

Ở một góc độ nào đó, thì mình cũng là một người học ngoại ngữ. Đã học, bất kể là học cái gì, thì việc mắc sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Được người khác sửa sai cho mình, thì mình cảm thấy rất biết ơn. Tuy nhiên, việc sửa sai đó cũng phải đặt trong ngữ cảnh phù hợp, và tốt nhất là khi được người cần giúp đỡ đề nghị. Nếu không, nó sẽ chẳng còn là "biết ơn" nữa, mà sẽ tạo cho người bị sửa cảm giác khó chịu và thấy người kia rất...vô duyên.

Học ngoại ngữ là một quá trình dài tìm tòi, rèn luyện đầy đam mê mới có thể đạt được cái đích mình mong muốn. Tiếp cận được một ngoại ngữ, là các bạn tự mở cho mình một cánh cửa tri thức mới, tạo được cho mình những cơ hội trong cuộc sống và nghề nghiệp không giới hạn. Hãy coi việc học là học cho mình, chứ không phải cho bất kỳ một ai khác. Và hãy enjoy từng bước tiến bộ của bản thân. Đừng để bất cứ một ai dập tắt sự đam mê và niềm hứng khởi trong bạn

 
Scroll to top